Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn nằm tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Đây là một trong nhiều những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Lưu giữ lịch sử
Anh Trần Vũ Bình là con trai chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM), là nhà thầu khoán của Dinh Độc Lập trước năm 1975. Suốt 30 năm qua, với mong muốn lưu giữ lịch sử, nhất là lịch sử liên quan đến cha mình, đến lực lượng Biệt động Sài Gòn, anh Bình tìm kiếm và mua lại nhiều ngôi nhà từng được ông Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng. Sau đó, anh phục dựng lại nguyên mẫu, rồi mở cửa đón khách đến tham quan.
Đã có 3 căn nhà ở số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và 113A Đặng Dung, quận 1 từng được ông Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng miền Nam 1975 được anh Trần Vũ Bình sắp xếp, mua lại, dày công tìm kiếm hiện vật nguyên mẫu rồi mở thành quán cà phê di tích. Các quán cà phê này đều mang tên Cà phê Đỗ Phủ- Cơm tấm Đại Hàn, nhưng do các căn nhà đó đều là cơ sở của Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh, trưng bày nhiều hiện vật và kể nhiều câu chuyện về Biệt động Sài Gòn nên lâu dần người dân gọi chung là “Cà phê Biệt động”. Anh Trần Vũ Bình mong muốn lưu giữ những gì thuộc về lịch sử đúng như nó đã từng. Anh chia sẻ: "Di tích đó nó có sao thì phải trả lại như vậy, của những năm đó thì trả lại đúng những năm đó. Mình biết là phải giữ nguyên hiện trạng, giữ nguyên không hư hỏng. Lớp trẻ và lớp già đều trải nghiệm".
Quán ở số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 là Di tích Lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia, là ngôi nhà có hầm chứa vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Còn quán ở số 113A Đặng Dung, quận 1 là Hòm thư bí mật- Hầm nổi từ Mậu Thân 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975. Quán này rất đặc biệt vì tồn tại ngay bên cạnh nhà Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng và đối diện Cao ốc Đại Hàn thời đó. Có lẽ cũng chính vị trí đặc biệt nguy hiểm này mà quân địch không thể ngờ đó là cơ sở cách mạng. Cho nên, sau năm 1968, hàng loạt cơ sở nội thành Sài Gòn của Biệt động Sài Gòn bị lộ, kể cả 3 căn nhà nhà 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thì số nhà 113A Đặng Dung vẫn an toàn, tiếp tục hoạt động cho chiến thắng năm 1975.